Bài viết này được ghi chép lại từ thông tin do Bác sĩ Wynn Tran đang làm việc và giảng dạy y khoa tại Hoa Kỳ cung cấp, đi kèm với link 27 nghiên cứu khoa học trong phần comment để bạn tham khảo

🥛 Sữa bò, sữa đậu nành, sữa hạnh nhân, sữa dừa và sữa gạo – Loại sữa nào phù hợp với bạn?

Zalo

🐮 Sữa bò 🐮

Sữa bò là loại sữa thông dụng nhất, nhiều protein nhất, nhiều mỡ, Canxi và thường được thêm vào vitamin A và D. Tùy vào lượng mỡ trong sữa mà lượng calorie ít hay nhiều. Sữa ít béo sẽ giảm được lượng calorie đáng kể nhưng đi kèm đó là việc giảm khả năng hấp thụ các vitamin tan trong mỡ của cơ thể như vitamin A, D, K. Sữa bò thông thường chứa lactose có thể gây đầy bụng và các vấn đề tiêu hóa cho những người dị ứng lactose, nên nếu bạn muốn tránh hiện tượng này, hãy tìm các dòng sữa bò có dán nhãn "Lactose free" nhé.

Một số ý kiến cho rằng uống nhiều sữa bò sẽ mập, tăng khả năng bị bệnh tim mạch, loãng xương, tiểu đường hay ung thư. Đây là 1 hiểu nhầm.

Một nghiên cứu ở trẻ em năm 2014 được tổng hợp trên 22 nghiên cứu cho thấy uống sữa bò không ảnh hưởng tới bệnh béo phì ở trẻ em. Ngược lại, sữa bò tham gia bảo vệ những đứa trẻ này khỏi béo phì khi chúng trở thành thiếu niên. Một vài năm sau, bác sĩ Lu người Trung Quốc có bài nghiên cứu được đăng trên tạp chí European Journal of Clinical Nutrition – Tạp chí về dinh dưỡng Châu Âu, nghiên cứu này theo dõi trong vòng 3 năm trên 46.000 bệnh nhân cho thấy nhóm uống sữa bò nhiều nhất lại có tỉ lệ béo phì thấp hơn nhóm uống sữa ít. Khi thêm1 ly sữa 250ml cho khẩu phần ăn mỗi ngày của trẻ sẽ làm giảm 13% tỷ lệ béo phì.

Ở người lớn, uống sữa bò mỗi ngày không gây tăng nguy cơ mắc tiểu đường mà ngược lại. Một nghiên cứu từ NewZealand năm 2013, uống 2 ly sữa bò mỗi ngày giúp tăng mỡ tốt và giảm rủi ro bị bệnh tim mạch. Trên thực tế, sữa bò giúp tăng cảm giác no, làm giảm cảm giác thèm ăn.

Sữa bò và loãng xương: Nhìn chung, sữa bò có tác dụng tích cực tới mật độ xương nhưng không làm giảm rủi ro gãy xương. Bạn cần nhớ rằng loãng xương là 1 bệnh lý bắt đầu từ thời trẻ nhưng đến tuổi già mới phát bệnh. Vì vậy, chế độ ăn uống và luyện tập của 1 cô gái trẻ sẽ quyết định khi về già cô có bị loãng xương hay không. Sữa bò sẽ có tác dụng giúp xương chắc khỏe khi được bổ sung vào thực đơn của trẻ nhỏ, nhưng không có tác dụng tương tự cho người trưởng thành và đến tuổi già, việc uống sữa bò nhiều (3-4 ly tương đương 750ml – 1000ml/ngày) làm tăng rủi ro gãy xương.

Sữa bò cũng ảnh hưởng khác nhau tới những loại bệnh ung thư khác nhau. Sữa bò hỗ trợ giảm tỷ lệ ung thư đường ruột và bàng quang (nghiên cứu tổng hợp chỉ ra khi uống 400gr sữa nước mỗi ngày giúp giảm 17% rủi ro đường ruột) nhưng làm tăng tỉ lệ ung thư tuyến tiền liệt, không tăng không giảm với ung thư vú.

Zalo

🥛 Sữa đậu nành 🥛

Sữa đậu nành chứa nhiều protein nhất trong các loại sữa thực vật. Sữa đậu nành chứa Kali giúp điều hòa huyết áp và nhịp tim, đồng thời cũng chứa Canxi, vitamin A, D.

Một chủ đề gây tranh cãi nhiều năm về sữa đậu nành là những ảnh hưởng tới nam giới. Nguồn gốc của những tranh cãi này là vì trong sữa đậu nành có chứa Isoflavone (hay còn gọi là phytoestrogen – hormone nữ có nguồn gốc thực vật). Chúng ta cần biết rằng Isoflavone được đánh giá là 1 hormone nữ nhẹ với khả năng bám vào cơ quan thụ cảm của hormone nữ trên cơ thể người yếu hơn 100 – 1000 lần Estrogen. Một nghiên cứu từ trường Đại học Y khoa Harvard năm 2008 trên 99 bệnh nhân nam chỉ ra, nếu bệnh nhân tiêu thụ nhiều hơn 2 ly sữa/tuần (mỗi ly 250ml) sẽ dẫn tới giảm số lượng tinh trùng (ít hơn 35 triệu tinh trùng so với người không dùng các sản phẩm từ đậu nành). Tuy nhiên, nghiên cứu này khẳng định lượng tinh dịch, hình dạng và khả năng bơi của tinh trùng không bị ảnh hưởng.

Mặt khác, sữa đậu nành lại có tác dụng tốt cho nữ giới vì được xem như 1 hormone nữ nhẹ. Cụ thể, sữa đậu nành hỗ trợ tăng khả năng thụ thai trong quá trình thụ tinh nhân tạo. Một nghiên cứu từ Ý cho thấy nếu bệnh nhân ăn thêm 1.5gr chất phytoestrogen thì khả năng thụ thai tốt hơn.

Tóm lại, nếu bạn uống dưới 2 ly với nam, 3-4 ly với nữ trong một tuần thì sữa đậu nành tốt cho sức khỏe của bạn. Lưu ý, các sản phẩm thô từ đậu nành như sữa đậu nành, đậu hủ thì tốt hơn các sản phẩm chức năng có chứa đậu nành.

Zalo

🥛 Sữa hạnh nhân 🥛

Sữa hạnh nhân có thành phần từ hạnh nhân, nước và thường được độn thêm chất tạo vị để tăng cảm giác ngon miệng.

Sữa hạnh nhân ít calo hơn các loại sữa khác, phù hợp với chế độ ăn giữ hoặc giảm cân (sữa không đường).

Sữa hạnh nhân không có mỡ và không gây dị ứng với lactose. Mặc dù hạt hạnh nhân thô có nhiều protein nhưng sữa hạnh nhân lại chứa rất ít protein. Ngày nay, sữa hạnh nhân công nghiệp thường được trộn thêm Canxi và vitamin D.

Zalo

🥥 Sữa dừa 🥥

Việt Nam là 1 đất nước trồng rất nhiều dừa, đặc biệt ở Bến Tre nên chắc hẳn sữa dừa đã trở nên quen thuộc với chúng ta rồi đúng không nhỉ.

Sữa dừa được làm từ nước và cơm dừa. Sữa dừa lỏng hơn nước cốt dừa nhưng lại dày hơn nước dừa tươi. Đây là 1 loại sữa rất giàu chất béo, ai nghĩ tới nước cốt dừa cũng liên tưởng ngay tới vị béo ngậy của nó. Cũng vì vậy mà sữa dừa không hợp với ai bị mỡ máu đâu nhé.

Sữa dừa nguyên chất không có vitamin A, D, tuy nhiên ngày nay công nghệ giúp chúng ta trộn các loại vitamin đó vào sữa.

Zalo

🥛 Sữa gạo 🥛

Sữa gạo ít năng lượng, ít protein, ít mỡ và ít khoáng chất. Sữa gạo có vị ngọt thanh từ hạt gạo nên sẽ làm đa dạng cho chế độ giảm cân, giữ dáng của bạn.Tuy nhiên bạn cần đọc kĩ thành phần để biết nhà sản xuất có thêm đường tinh luyện vào sữa hay không nhé.

Sữa gạo ít gây dị ứng nhất trong 5 loại sữa kể trên và cũng có ít nghiên cứu tác dụng lên sức khỏe nhất

Một điểm cần nói tới của sữa làm từ thực vật là chúng thường được trộn với chất làm đầy có tên Carrageenan – chất làm dày chiết xuất từ tảo khiến sữa đặc hơn, dễ uống hơn và bảo quản được lâu hơn. Những nghiên cứu gần đây cho thấy chất làm dày này không gây dị ứng hay có bất cứ ảnh hưởng gì lên hệ miễn dịch của chúng ta.

Zalo

<3 Hy vọng bài viết này đã cung cấp thêm cho bạn thông tin về các loại sữa phổ biến để có lựa chọn phù hợp nhất. LeKhaMart sẽ tiếp tục cung cấp các thông tin khoa học về sức khỏe và đồng hành cùng bạn trong việc chủ động chăm sóc sức khỏe cho chính mình và người thân nhé.

Lưu ý: Bài viết này được ghi chép lại từ thông tin do Bác sĩ Wynn Tran đang làm việc và giảng dạy y khoa tại Hoa Kỳ cung cấp, đi kèm với link 27 nghiên cứu khoa học trong phần comment để bạn tham khảo